Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Iran xin giới thiệu một số nội dung về thực phẩm Halal dưới đây mong được bạn đọc, nhất là các nhà doanh nghiệp đang sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm tham khảo.
Nhờ ưu điểm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm Halal trên thế giới ngày một tăng, không chỉ trong giới đạo hồi mà cả những người không theo đạo hồi. Thương mại toàn cầu về thực phẩm Halal hiện nay dự tính là 80 tỷ USD, chiếm khoảng 12% toàn bộ thương mại nông sản, thực phẩm toàn cầu. Theo nghiên cứu mới đây của Trường Đại Học Bách khoa Puerto Rico, USA dân số đạo hồi năm 2010 là 1,65 tỷ người, chiếm 24% và dự kiến đến năm 2020 sẽ chiến 25% dân số thế giới. Việc tăng dân số và tăng thu nhập của người tiêu dùng thực phẩm Halal cũng đã và đang làm cho thương mại thực phẩm Halal tăng trưởng nhanh chóng.
Vì vậy, việc quan tâm đến giá trị, tầm quan trong của thị trường thực phẩm Halal là rất cần thiết.
Về khái niệm “Halal”?
“Halal” là từ tiếng Arập, có nghĩa là “hợp pháp” hay “được phép” và từ này không chỉ nói đến thực phẩm, đồ uống, mà cả mọi thứ của cuộc sống hàng ngày.
Nói đến thực phẩm halal, xin đừng chỉ nghĩ là thịt, người hồi giáo coi tất cả các loại thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chế biến, dược phẩm, và cả những mặt hàng không phải thực phẩm như mỹ phẩm đảm bảo được các yêu cầu “được chấp nhận” hay “được phép” của Luật hồi giáo đều là halal. Thực tế, các sản phẩm bán trên thị trường mang nhãn halal gồm cả mọi loại nông sản, thực phẩm như nước sốt, nước đóng chai, chè, cà phê, nước hoa quả và cả những sản phẩm không phải thực phẩm như mỹ phẩm, thậm chí cả quần áo và....một loạt rất, rất nhiều các sản phẩm mang nhãn halal.
I)- Nguyên tắc, quy định tiêu chuẩn để xác định là thực phẩm Halal ?
Điều 1: Định nghĩa :
"Thực phẩm Halal" là thức ăn và đồ uống "được phép" theo Luật hồi giáo và phù hợp với đặc tính của ngôn ngữ được gọi là "Halal".
Điều 2: Tiêu chuẩn chung:
2-1 : Sản phẩm phải không có bất cứ nguyên liệu nào mà Luật hồi giáo cấm, hay không chấp nhận.
2-2 : Sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu mà Luật hồi giáo không cho phép, hay không chấp nhận trong suốt các khâu chuẩn bị, chế biến, vận chuyển và lưu kho.
2-3 : Trong suốt các khâu chuẩn bị, chế biến, vận chuyển, lưu kho sản phẩm đó không được tiếp xúc với bất cứ thực phẩm bổ dưỡng nào từ nguyên liệu mà Luật hồi giáo không chấp nhận.
Lưu ý:
- Thực phẩm Halal không được phép sản xuất, vận chuyển, lưu kho trong một nhà máy, hay giây chuyền sản xuất mà cùng sản xuất, vận chuyển, lưu kho nguyên liệu và thực phẩm Haram (cấm), trừ khi có giám sát viên hồi giáo tham gia vào tất cả quá trình sản xuất và sắp xếp để tránh thực phẩm Halal có bất cứ tiếp xúc nào với thực phẩm Haram.
- Bất cứ dụng cụ và thiết bị nào dùng trong sản xuất, vận chuyển, lưu kho thực phẩm Haram cũng phải rửa sạch, làm khô theo Luật hồi giáo khi dùng cho thực phẩm Halal. Giám sát viên hồi giáo sẽ giám sát tất cả quá trình này.
- Giấy chứng nhận thực phẩm Halal chỉ có giá trị thời hạn nhất định. Hết hạn phải xin cấp lại và tất cả các khâu kiểm tra sẽ được thực hiện lại như trước.
Điều 3: Phạm vi và gồm có:
3-1: Theo luật hồi giáo, tất cả thực phẩm và nguồn thực phẩm đều là Halal và được phép, ngoại trừ nguồn và nguyên liệu sau:
3-2 : Thực phẩm sản xuất từ động vật sau không chấp nhận và không được phép:
A- Mọi loại lợn và gấu hoang dã.
B- Mọi loại chó, rắn và khỉ.
C- Mọi loại động vật ăn thịt có móng vuốt và răng trước như: sư tử, hổ, gấu và các loài khác tương tự.
D- Chim săn mồi như: đại bàng, kền kền và các loài chim khác tương tự.
E- Các loại động vật gây hại như: chuột, động vật nhiều châm, bò cạp và các loài khác tương tự.
F- Các loài động vật mà theo luật hồi giáo không được giết như: kiến, ong và chim gõ kiến.
G- Các loài động vật mà bản chất con người nói chung là ghét hay ngại tiếp xúc như: chấy, ruồi và các loài khác tương tự.
H- Các loài động vật vừa sống trên cạn vừa sống dưới nước (lưỡng cư) như: ếch, cá sấu, và các loài khác tương tự.
I- Bất cứ loại động vật biển nào không có vẫy (loại gây hại và có chất độc).
J- Bất cứ loại động vật nào không được giết thịt theo đúng luật đạo hồi.
K- Tiết hay thực phẩm có lẫn tiết.
L- Bất cứ động vật nào sống ở biển và không được săn, bắt đúng luật đạo hồi (không bắt sống từ dưới nước, hay chết do săn bắn).
3-3: Tất cả các loại thực phẩm hữu cơ và rau đều được phép, trừ những loại liên quan đến các sắc lệnh có tính luật học tôn giáo vì có lẫn các thành phần gây hại, rượu, hay gây say.
3-4: Về đồ uống, các loại đồ uống có rượu và bất cứ loại đồ uống gây hại và gây say nào cũng không được chấp nhận và là thực phẩm Haram.
3-5: Về phụ gia thực phẩm, tất cả các loại phụ gia thực phẩm làm từ các chất như đã đề cập ở Điều 3 coi như không được chấp nhận. (như, bất cứ loại thịt nấu đông nào từ da và xương lợn, hay giết thịt không đúng quy định của luật hồi giáo có tiếng kêu như quạ).
3-6: Giết thịt bất cứ động vật được phép nào, sống trên cạn cũng phải theo đúng quy định sau đây của luật đạo hồi:
A- Giết thịt phải do một người hồi giáo trung thực, có hiểu biết về cách giết mổ của đạo hồi tiến hành.
B- Động vật bị giết thịt phải đúng Luật hồi giáo chấp nhận.
C- Trước khi giết, động vật phải sống và triệu chứng sống phải tồn tại trong động vật đó.
D- Ngay trước khi giết thịt, câu “Cầu thượng đế” “Besm-e-Allah” (In the Name of God” phải được đọc rõ.
E- Dụng cụ giết thịt phải làm bằng thép sắc.
F- Trong quá trình giết mổ, khí quản, thực quản, động mạch chính và tất cả các tĩnh mạch cuống họng phải cắt bỏ hoàn toàn.
G- Động vật phải quay mặt về Qibla (hướng người hồi giáo cầu nguyện, Mecca).
Điều 4: Những điều kiện cần thiết, hay nghĩa vụ đối với thực phẩm Halal:
4-1: Biểu tượng Halal của Cơ quan chứng nhận thực phẩm Halal, hay biểu tượng tương tự phải có trên nhãn hàng.
4-2: Chứng nhận thực phẩm Halal phải còn hiệu lực.
(Còn nữa)
Phần tiếp theo sẽ đề cập đến Quy trình, thủ tục xin cấp nhãn Halal và giấy chứng nhận thực phẩm Halal, cũng như Tiềm năng thị trường, biện pháp đẩy mạnh xuât khẩu thực phẩm Halal vào thị trường Iran.
II)- Quy trình, thủ tục cấp nhãn Halal và giấy chứng nhận Halal tại Iran:
A- Nội dung đơn xin cấp nhãn Halal và các tài liệu gửi kèm:
- Tên chi tiết, chính xác của Công ty, hay Nhà máy.
- Địa chỉ chi tiết, chính xác của Công ty, hay Trụ sở chính của Công ty.
- Tên chính xác của sản phẩm hay dịch vụ xin cấp nhãn Halal.
- Bản sao Giấy phép hoạt động, khai thác.
- Bản sao Giấy phép sản xuất.
- Giấy giới thiệu người đại diện của Công ty hay nhà máy để liên hệ, phối hợp.
B- Đại diện của Công ty hay Nhà máy phối hợp với Cơ quan cấp nhãn và giấy chứng nhận Halal để sắp xếp thời gian cho cuộc viếng thăm kiểm tra, đánh giá tại chỗ, và tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết còn lại.
C- Sau khi kiểm tra tại chỗ, viên chức kiểm tra chuẩn bị Báo cáo đánh giá, đệ trình báo cáo đánh giá, kèm theo các phụ kiện, tài liệu liên quan và kết quả thử nghiệm lên Cơ quan cấp nhãn và giấy chứng nhận Halal.
D- Phán quyết: Đề xuất đánh giá Báo cáo và thông báo kết quả.
E- Trao nhãn và giấy chứng nhận Halal.
III)- Tiềm năng thị trường, biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm Halal vào thị trường Iran:
Cộng hòa Hồi giáo Iran được điều hành, cai quản bởi luật hồi giáo nghiêm ngặt. Trong khoảng 75 triệu dân hiện nay, trên 98% người theo đạo hồi. Vì vậy, khẩu vị ăn uống, thực phẩm của người dân Iran tương đối thuần nhất.
Mặc dầu Iran là nước phát triển trung bình, nhưng tiêu thụ calo của người dân ngang với tiêu thụ calo của người dân ở các nước phát triển cao, như Anh. Hiện tượng này cũng đúng với hầu hết người dân các nước Arập.
Theo thống kê của Phòng Thương mại, Công nghiệp Hồi giáo (The Islamic Chamber of Commerce & Industry), năm 2006 tổng trị giá nhập khẩu thực phẩm Halal của những nước nhập khẩu chính là 53 tỷ USD, Iran năm 2005 nhập khẩu trên 3,2 tỷ USD.
Iran nằm ở cửa ngõ ra, vào đường hàng hải quốc tế, ở trung tâm khu vực có dân số khoảng 300 triệu người, có chung biên giới đất liền và biển với 13 nước khác nhau: Nga, Azerbaijan, Turkmenistan, Turkey, Iraq, Pakistan, Afghanistan và các nước nam vịnh Ba Tư. Iran giàu có, là cường quốc kinh tế trong khu vực, sức mua, tiêu thụ lớn, lại có vị trí hết sức thuận lợi về kinh tế. Thông qua Iran có thể nhanh chóng thâm nhập thị trường các nước lân cận, nhất là các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, không có biển.
Vì vậy, Iran là thị trường rất rộng lớn, đầy tiềm năng cho xuất khẩu nông sản, thực phẩm nói chung, và thực phẩm halal nói riêng.
Xuất khẩu thực phẩm Halal phải có giấy chứng nhận thực phẩm Halal. Theo các quy định đã đề cập ở phần trước, việc chứng nhận thực phẩm Halal phải thông qua kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt toàn bộ quá trình từ khâu chuẩn bị, giết mổ, thành phần sử dụng, vệ sinh, bảo quản, vận chuyển, phân phối. Có thể nói "từ trang trại đến bàn ăn".
Muốn xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm Halal vào các nước nói chung và Iran nói riêng, ngay bây giờ ta cần xây dựng chiến lược mặt hàng, chiến lược thị trường và phải đầu tư cho chiến lược đó.
Thành công của công nghiệp thực phẩm halal trong nước cũng như xuất khẩu còn phụ thuộc vào chính sách tổng thể, kể cả luật pháp, điều hành, dịch vụ hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, nỗ lực xúc tiến thương mại cũng như hậu cần (logistics) và tài chính.
Xin vui lòng tham khảo thêm Website củaTổ chức Liên minh Halal Quốc tế (IHIA): http://www.ihialliance.org