Người Hồi giáo chỉ sử dụng những sản phẩm được chứng thực Halal theo Luật Shariah (Luật Hồi giáo), đối với người Hồi giáo đây là yêu cầu bắt buộc, nhưng đối với người không theo đạo Hồi thì đây cũng là một lựa chọn tốt. Sản phẩm Halal là sản phẩm được xác nhận không có thành phần Haram và đảm bảo sự “tinh khiết” trong quá trình sản xuất, bao gồm nhóm thực phẩm và phi thực phẩm, thịt và gia cầm, các sản phẩm không phải là thịt, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và y tế. Bên cạnh đó là các ngành dịch vụ liên quan đến Halal như tư vấn, thông tin đại chúng, phát triển phần mềm, dịch vụ logistics, kiểm định chất lượng trong phòng thí nghiệm, …
Theo Tổ chức Islam, (islamicpopulation.com, truy cập ngày 01 tháng 11 năm 2011) tổng dân số thế giới có 7.009,8 triệu người, trong đó có 1.977,24 triệu người Hồi giáo chiếm khoảng 25% dân số thế giới. Với tốc độ tăng trưởng dân số Hồi giáo khoảng 2,9%/năm thì số lượng tín đồ Hồi giáo trên thế giới sẽ chiếm khoảng 30% dân số thế giới vào năm 2025. Tại Diễn đàn Halal Thế giới lần thứ 5 tổ chức tại Kualar lumpur-Malaysia tháng 4 năm 2012 đã nhận định, hàng năm, các tín đồ đạo Hồi chi khoảng 580 tỷ USD để mua thực phẩm có chứng chỉ Halal. Dự báo các trung tâm tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới ở Trung Á và Nam Á chi khoảng 175 tỷ USD/năm cho thực phẩm Halal; Châu Phi chi khoảng 115 tỷ USD; Trung Đông chi khoảng 111 tỷ USD; Đông Nam Á chi khoảng 95 tỷ USD. Qua đó, chúng ta thấy đây là những con số hấp dẫn để ngành thực phẩm đầu tư và có lợi nhuận.
Nhu cầu thực phẩm và sản phẩm Halal của các nước trên thế giới ngày một tăng, do người tiêu dùng Đạo Hồi đã tạo ra một nhu cầu mang tính tín ngưỡng đối với thực phẩm và sản phẩm Halal. Trước đây, nhiều nước Hồi giáo đáp ứng được hầu hết các nhu cầu thực phẩm trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước Hồi giáo khác. Thì nay, cùng với việc các thị trường toàn cầu ngày càng mở rộng, tiềm năng thị trường thực phẩm Halal trên thế giới không chỉ giới hạn trong phạm vi các nước Hồi giáo. Trước đây, người Hồi giáo chỉ đơn giản là tránh những thực phẩm không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng Halal, thì giờ đây người Hồi giáo yêu cầu thực phẩm phải đạt cả nhu cầu dinh dưỡng của chính họ và họ cũng tự đưa ra những quy ước mang tính tín ngưỡng cho sự lựa chọn của mình, rồi sự quy ước đó cũng có sự phát triển và mở rộng trong chính cộng đồng của họ và giao lưu giữa các cộng đồng Hồi giáo khiến cho chính những yêu cầu đó cũng trở thành phổ biến.
Ngày nay những sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ mang nhãn Halal nói chung và thực phẩm Halal nói riêng được công nhận, phổ biến, và tiêu dùng rộng rãi hơn ngay cả đối với người tiêu dùng không phải Hồi giáo vì sự bảo đảm về tiêu chuẩn“an toàn, vệ sinh và chất lượng”của chúng. Nhãn Halal bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí tôn giáo, ngày nay đã trở thành một trong những tiêu chuẩn mới bảo đảm cho người tiêu dùng về sự an toàn và chất lượng sản phẩm. Theo con số gần đây nhất được Diễn đàn Halal Thế giới công bố, giá trị trao đổi thương mại toàn cầu tính riêng cho nhóm hàng thực phẩm Halal đạt khoảng 661 tỷ USD và nếu tính cả nhóm sản phẩm phi thực phẩm và dịch vụ Halal khác thì con số này sẽ đạt từ 1,2 đến 2 nghìn tỷ USD một năm.
Một số nước đã trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm Halal nổi tiếng có uy tín như Hoa Kỳ (là nhà xuất khẩu thịt bò lớn thứ 3 thế giới, trong đó hơn 80% là thịt bò đông lạnh Halal), Brazil (nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm thịt gà đông lạnh và thịt bò), Pháp (sản phẩm thịt gà đông lạnh), New Zealand (là nước xuất khẩu thịt bò lớn thứ 4 thế giới trong đó hơn 40% là thịt bò Halal). Các nhà xuất khẩu lớn khác ở châu Á gồm Thái Lan, tiếp theo là Philippines, Malaixia, Inđônêxia, Singapore và Ấn Độ.
Dự báo tới năm 2025, thực phẩm có dấu chứng nhận Halal (thực phẩm Halal) sẽ chiếm 20% tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới. Do vậy, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Hồi giáo là một hướng đi có tiềm năng của các quốc gia có thế mạnh trong sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm trong đó có Việt Nam.
Về giác độ cầu, qua các thống kê, khảo sát và thăm dò gần đây, các thị trường lớn tiêu thụ thực phẩm Halal như Malaixia, Inđônêxia, Brunây và Trung Đông đều đang quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam. Về phía cung, nhiều nước xuất khẩu thực phẩm đã và đang xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này đều gặp phải những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường cho các sản phẩm này đó là tính khó dự báo và thiếu minh bạch trong việc quy định và cấp dấu chứng nhận Halal. Những câu hỏi cụ thể đặt ra với các đối tác thương mại và các doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thường tập trung vào các vấn đề như: Tiêu chí Halal là gì? Các tiêu chí này có được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn đồng nhất ở các nước Hồi giáo không? Cơ quan nào cấp dấu chứng nhận Halal và quy trình cấp chứng nhận như thế nào?...Gần đây, với sự hướng dẫn, giúp đỡ của các Văn phòng Chứng nhận Halal của cộng đồng Hồi giáo Việt Nam và được sự công nhận của các văn phòng Halal quốc tế, trong đó có Cục Phát triển Hồi giáo Malaixia-JAKIM là cơ quan chứng nhận Halal có uy tín trong khu vực và thế giới đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam được cấp dấu chứng nhận Halal và hoạt động xuất khẩu mặt hàng này sang các nước có đông tín đồ Hồi giáo trên thế giới đang được đẩy mạnh, đặc biệt là Brunây, Malaixia, UAE, Ả rập Xê út và Inđônêxia...
Tuy nhiên, việc xâm nhập thị trường thực phẩm Halal của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua chỉ mang tính khởi đầu và bột phát, chưa có lộ trình cụ thể. Vì thực tế cho thấy, việc xuất khẩu mặt hàng có chứng nhận Halal của Việt Nam sang thị trường Hồi giáo đang gặp khó khăn, do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu hàng lương thực, thực phẩm thiếu thông tin về yêu cầu và chất lượng đối với sản phẩm Halal; việc quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm Halal của Việt Nam đối với cộng đồng Hồi giáo thế giới chưa được chú trọng; khả năng, uy tín của các sản phẩm Halal còn hạn chế, quy trình quản lý sản phẩm còn bất cập; đội ngũ kiểm định viên theo dõi hoạt động sản xuất các mặt hàng Halal còn hạn chế về trình độ chuyên môn, thiếu phương tiện kỹ thuật và quy trình để kiểm tra, đánh giá sản phẩm theo yêu cầu; công tác nghiên cứu, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp trong nước về các quy định đối với thực phẩm Halal cũng như xúc tiến xuất khẩu mặt hàng này vào các nước đạo Hồi trên thế giới chưa được chú trọng; sự thiếu hiểu biết về văn hóa Hồi giáo và những bất cập trong công tác quản lý đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu các mặt hàng có chứng nhận Halal của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Hồi giáo thế giới./.
Theo Dương Văn Khá (Ban tôn giáo chính phủ)